Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh Phaolô_Nguyễn_Văn_Bình

Dự Thượng Hội đồng Giám mục, đường hướng mục vụ mới (1977 – 1980)

Tháng 1 năm 1977, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình tham gia hội nghị hợp nhất các tổ chức thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hội nghị này có ý nghĩa chính trị là hợp nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bài phát biểu của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình kêu gọi người Công giáo gánh vác trách nhiệm chung trong việc kiến thiết đất nước và làm mọi việc đem lại ích lợi. Nguyễn Văn Bình cho rằng sau 30 năm chiến tranh và hàng trăm năm bị người nước ngoài cai trị thì người Công giáo Việt Nam cần có tinh thần hiệp nhất và vượt qua định kiến Công giáo là nguyên nhân làm cho đất nước chia rẽ. Nguyễn Văn Bình tuyên bố người Công giáo không quyết định đi theo đạo Công giáo chỉ vì lợi ích giai cấp.[324] Tháng 2 năm 1977, Nữ tu Tobin, thành viên tổ chức Church Women United, một nhóm hoạt động liên tôn giáo gửi lời mời hai vị chức sắc Công giáo Việt Nam là Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và Hồng y Hà Nội Trịnh Như Khuê đến Hoa Kỳ nhằm mục đích mô tả việc tái thiết Việt Nam và thảo luận về tự do tôn giáo ở Việt Nam.[325] Cuối tháng 2 năm 1977, Tòa Thánh mới biết tin và loan tin vụ việc Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận bị bắt giữ. Ngoài ra, các chi tiết về vụ việc này cũng không được công bố.[326]

Năm 1977, trong hai cuộc họp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền có hai bài phát biểu với chủ đề chính là tự do tôn giáo. Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý cho đánh máy lời phát biểu và phổ biến trong linh mục đoàn giáo phận Huế. Bài phát biểu này sau đó đã được in phổ biến tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như được đăng trên các báo chí nước ngoài.[327][328][329] Bài phát biểu đầu tiên vào ngày 15 hoặc 19 tháng 4 với nội dung chính là Tổng giám mục Điền cho rằng mình không thỏa mãn với vấn đề tự do tôn giáo, đi kèm với các hạn chế được ông dẫn chứng.[330][gc 15] Bài phát biểu thứ hai diễn ra vào ngày 22 tháng 4 và nói về vấn đề tự do tôn giáo và lao động, cũng như liệt kê một số khó khăn và đề nghị tôn trọng tự do tín ngưỡng.[333][gc 16]

Với hai bài phát biểu này, Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh có lá thư gửi cho Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình vào ngày 6 tháng 8. Mặt trận tỉnh Bình Trị Thiên cũng ra thông báo về việc lan truyền hai bài phát biểu trên sau đó vào ngày 17 tháng 9.[334] Tiêu đề bức thư được gửi cho tổng giám mục Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh là Nhận định về Hai bản văn ghi lại lời phát biểu của Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền, do ông Nguyễn Văn Chì, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh gửi.[333][gc 17]

Năm 1977, ngày 2 tháng 5, các giám mục Giáo tỉnh Sài Gòn họp tại Trung Tâm Công giáo. Ba ngày sau đó, Tổng giám mục Bình bổ nhiệm linh mục Louis Phạm Văn Nẫm làm Tổng Đại diện Tổng giáo phận Sài Gòn.[334] Cuối tháng này, Don Luce, giám đốc tổ chức Những Giáo sĩ và Giáo dân quan tâm Việt Nam (Clergy and Laymen Concerned about Vietnam (CALCAV)) tham gia nhóm bốn người Mỹ tham gia lễ khánh thành một bệnh viện, gần nơi xảy ra vụ Thảm sát Mỹ Lai. Nhóm bốn người này đại diện cho Friendshipment, một liên minh của các nhóm tôn giáo và hòa bình Hoa Kỳ, đã huy động 150.000 đô la để xây dựng cơ sở chữa bệnh mới này. Bệnh việc có tổng số 100 giường bệnh. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình thúc giục những người này truyền đạt lại với người dân Hoa Kỳ để họ gây sức ép nhằm mục đích chính phủ Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.[335]

Trong một báo cáo của Cục các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đề ngày 23 tháng 5 năm 1977 gửi đi từ Thái Lan cho rằng Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đề nghị chính phủ Việt Nam cử một số giáo sư Mác-Lênin để ông đưa vào giảng dạy tại các Chủng viện. Đề nghị này không được phản hồi.[336] Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và giám mục Cần Thơ Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang được đánh giá là các giám mục có tinh thần yêu nước và được cho tham gia phái đoàn tham quan thủ đô Hà Nội vào tháng 8 năm 1977.[24]

Tòa thánh Vatican đề nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam cho hai thành viên tham gia Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới tổ chức cuối tháng 9 năm 1977. Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và Hồng y Trịnh Như Khuê được cho phép đến Roma để tham dự sự kiện này. Trong thời gian này, có báo cáo cho rằng tổng giám mục Bình đã để các tu sĩ tham gia diễu hành chính trị và mang ảnh chủ tịch Hồ Chí Minh.[337]

Chính quyền Việt Nam đồng ý cho Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và Hồng y Trịnh Như Khuê thăm Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Thuận đang bị quản thúc tại Hà Nội[338] trước khi tham dự Thượng Hội đồng Giám mục. Trước đó, Tòa Thánh Vatican lo ngại tổng giám mục Thuận đã qua đời trong tù, mặc dù chính quyền Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ tin này.[339] Ngày 10 tháng 9, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cùng Hồng y Trịnh Như Khuê đi tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới.[334] Thượng Hội đồng chính thức khai mạc ngày 30 tháng 9.[340]

Trong phiên họp ngày 5 tháng 10 năm 1977 trong khuôn khổ Thượng Hội đồng Giám mục,[341] Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đã có bài phát biểu với chủ đề Kitô hữu Việt Nam sống trong nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với ba nội dung chính là nước Việt Nam đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, môi trường mác xít và thái độ của người Công giáo Việt Nam.[284] Nội dung bài tham luận cũng đề cập đến chi thiết về việc sống chung với người Cộng sản nhưng giữ được bản tính Kitô hữu, góp phần vào việc xây dựng đất nước.[342] Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cho rằng ông và các giám mục Việt Nam khác đã làm mọi việc tốt nhất trong hoàn cảnh chế độ chính trị tại Việt Nam. Thái độ mới của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình được Giáo hoàng Phaolô VI chấp nhận nhưng bị các thành viên khác trong Giáo hội Công giáo phản đối. Tổng giám mục Bình cho rằng các linh mục mới ở Việt Nam phải tìm cách biểu đạt bằng một "thứ ngôn ngữ mới" sẽ được hiểu bởi các giáo đoàn thầm lặng bằng các khái niệm Cộng sản.[343][344] Ông cũng cho rằng giáo hội Việt Nam cần cho thấy một bộ mặt mới, vì nó đã bị buộc tội có liên quan đến thực dân trong quá khứ. Bài phát biểu của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình là vấn đề được thảo luận nhiều nhất, đồng thời cũng gây tranh cãi nhiều nhất trong phiên họp.[341][345] Về phần mình, Tổng giám mục Bình cho rằng ông tuân theo các khái niệm của Công đồng Vatican II. Ông tuyên bố rằng nhà nước Việt Nam đang đoàn kết công dân để tái thiết Việt Nam và người Công giáo không thể ở ngoài rìa xã hội, sống trong những khu ổ chuột. Ông cũng tuyên bố các giám mục Việt Nam đã quyết định việc này để hỗ trợ tái thiết trong phiên họp tại Sài Gòn và Huế vào tháng 7 năm 1976. Nguyễn Văn Bình cũng cho biết thực tại thế hệ người Công giáo sinh ra trong xã hội với chủ nghĩa Mác - Lê Nin sẽ thấm nhuần tư tưởng này trong tương lai và Giáo hội sẽ không che giấu sự khác biệt giữa chủ nghĩa Mác và Kitô giáo.[344][gc 18][346] Cũng trong tháng này, Nguyễn Văn Bình viết thư gửi các giám mục viết bằng tiếng Pháp. Nội dung thư, ông tái khẳng định các quan điểm trong bài tham luận trước đó, nêu quan điểm Công giáo có thể cùng tồn tại với chủ nghĩa Mác tại Việt Nam vì có chung mục đích. Các lập trường này của Tổng giám mục Bình có thể xuất phát từ Cộng đồng Vaticanô II, nhấn mạnh cuộc đối thoại và nỗ lực của Vatican để phù hợp với các nền văn hóa ngoài phương Tây. Nguyễn Văn Bình cho rằng chính Giáo hội Công giáo tiến gần hơn đến khái niệm giải phóng và tôn trọng nền chính trị của các nước đang phát triển, nhờ đó tạo điều kiện cho lập trường hòa giải của ông. Ngoài ra, Tổng giám mục Bình kiến nghị cách dạy giáo lý theo dạng hỏi đáp đến các giám mục khác.[347]

Tòa Thánh chọn linh mục Louis Phạm Văn Nẫm làm giám mục phụ tá Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 3 tháng 12 năm 1977.[348] Tân giám mục được đánh giá là một người dễ chịu hơn với chính quyền Việt Nam, hơn Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Thuận bị đưa đi khỏi Thành phố Sài Gòn trong năm 1975.[293] Giáo hoàng Phaolô VI đã có cuộc gặp và trò chuyện riêng với ba giám mục Việt Nam vào ngày 9 tháng 12 năm 1977. Ba vị này gồm Hồng y Tổng giám mục Hà Nội Trịnh Như Khuê, Tổng giám mục phó Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn và Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bình.[349]

Thảo luận trong một bữa uống trà cùng William Broyles, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình được ông này hỏi về vấn đề sinh hoạt tôn giáo. Nguyễn Văn Bình cho rằng ngoài việc bàn giao các cơ sở xã hội cho Nhà nước thì việc cử hành thờ phượng diễn ra bình thường. Nói về sự phân biệt người Công giáo trong việc làm và giáo dân, Tổng giám mục Bình cho rằng không có sự phân biệt ở cấp trung ương nhưng ở địa phương vẫn có các định kiến người Công giáo liên kết với CIA tạo nhiều vấn đề. Ông Broyles cố gắng đề cập đến vấn đề khó khăn trong việc bổ nhiệm giám mục mới và đào tạo giáo sĩ nhưng Tổng giám mục Bình cho rằng Giáo hội và Nhà nước có tần số đối thoại chung. William Broyles nhận định Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình thiếu thẳng thắn khi trả lời các câu hỏi. Tổng giám mục Bình cũng đề nghị ông này truyền đạt đến thế giới về vấn đề sinh hoạt tôn giáo tại Việt Nam.[350][351]

Trong một khóa tu vào năm 1978 tại Nông trường quốc doanh tại Củ Chi, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình nói về chủ đề lao động tập thể và sống phúc âm trong lòng đất nước xã hội chủ nghĩa. Ông cho rằng lao động chân tay là một cách biến đổi các linh mục và vai trò của họ trong xã hội.[352] Cũng trong năm 1978, Nguyễn Văn Bình tuyên bố bị mất đi các đất đai và tài sản Giáo hội có thể là một phước lành, vì việc này thúc đầy sự gần gũi với người dân hơn. Ông còn lên án việc dùng vũ trang chống lại sự quản lý của chính quyền mới.[25][277] Trong giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1978, nhiều tổ chức và cá nhân ở nhiều quốc gia như Pháp, Hồng Kông đã quyên tặng tiền cho Tòa Tổng giám mục Sài Gòn. Tòa Thánh Vatican cũng hỗ trợ 4.524,35 đồng, đến từ nhiều gia đình đóng góp được đề cập vào ngày 31 tháng 5 năm 1977 và trong năm 1978 trợ cấp một số tiền lớn là 39.160,80 đồng, được đề cập trong văn thư số 048/VP-78 ngày 1 tháng 3 năm 1978. Về việc đổi tiền của Việt Nam năm 1978, văn thư số 127/VP-78 do Tổng giám mục ấn ký ngày 19 tháng 6 xin việc rút thêm tiền từ tài khoản, vì khoản rút trước đó vào ngày 3 tháng 5 chỉ theo định mức hộ nhân dân có 5 nhân khẩu, giá trị 350 đồng nên chỉ sử dụng được vài ngày.[309] Trong năm 1978, Tổng giám mục Bình cũng phê chuẩn việc thành lập Dòng nữ tu Đa Minh.[353]

Nguyễn Văn Bình bày tỏ tình cảm với tờ báo Công giáo và Dân tộc trong dịp kỷ niệm 3 năm thành lập tờ báo vào ngày 2 tháng 7 năm 1978,[354] dù tờ báo không phải tiếng nói chính thức của Giáo hội, và có lời ủy lạo: “Tờ báo Công giáo và Dân tộc được ba tuổi, buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn trở ngại. Những khó khăn này một phần là do chúng ta vẫn tiếp tục sống trong tình trạng xưa, chưa thích nghi được với thời đại mới trong Giáo hội ngày nay, kể từ Đức giáo chủ Gioan XXIII. Phần khác là vì tờ báo Công giáo và Dân tộc lúc đầu cũng phải mò mẫm tìm đường... Nhưng bây giờ, sau ba năm, tôi thấy tờ báo đã có bộ mặt khá hơn. Chúng ta tất cả phải làm sao cho tờ báo trở thành tờ báo của chúng ta” (Trích báo Công giáo và Dân tộc ngày 9 tháng 7 năm 1978).[23][355]

Một phái đoàn viện trợ lương thực thuộc cơ quan cứu trợ Tin lành chuyến 10.000 tấn lúa mì hỗ trợ Việt Nam. Nhân dịp gặp với phái đoàn này, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình nhờ họ truyền đạt lời nhắn của ông đến các giám mục Công giáo Hoa Kỳ. Nguyễn Văn Bình nhắn nhủ họ: "Đừng sợ viện trợ cho một quốc gia cộng sản bởi vì mọi người ở đó đều là con người".[356]

Ngày 24 tháng 2 năm 1979, linh mục và tu sĩ có cuộc họp mặt tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn. Họ lên án các hành động của Trung Quốc trong cuộc chiến Chiến tranh biên giới Việt - Trung. Phát biểu trong cuộc gặp, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình kêu gọi đoàn kết với mọi người để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.[357] Tháng 3 năm 1979, Tổng giám mục Bình và giám mục phụ tá Louis Phạm Văn Nẫm, cùng khoảng 1.400 linh mục, tu sĩ và giáo dân Công giáo tham gia xây dựng tuyến phòng thủ Thành phố Hồ Chí Minh tại Hóc Môn.[358] Phát biểu tại lễ khởi công sáng ngày 7 tháng 3 năm 1979, Tổng giám mục Bình tuyên bố người Công giáo luôn sẵn sàng khi đất nước cần đến.[359] Nguyễn Văn Bình thường tham gia lao động, động viên môi người trong quá trình thi công. Công trình hoàn thành sau tám ngày thi công, với tổng số giáo sĩ, giáo dân và linh mục tham gia lên đến con số 2.000 người, hoàn thành trước thời gian quy định 4 ngày. Tổng giám mục Bình cũng tham gia lễ bàn giao công trình vào ngày 15 tháng 3.[360]

Ngày 13 tháng 7 năm 1979, Tổng giám mục Bình cùng Giám mục Phụ tá Louis Phạm Văn Nẫm viết thư ngỏ bày tỏ lập trường của mình về vấn đề người di cư, trong đó cũng xin sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo quốc tế hỗ trợ người di cư.[361] Do việc vượt biên bằng đường thủy (Thuyền nhân Việt Nam) quá nhiều và có những đồn đoán liên quan đến Công giáo, ngày 21 tháng 6 năm 1979, Tòa giám mục Sài Gòn ra thông báo của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Trong thư, tổng giám mục Bình bác bỏ tin đồn bà Maria hiện ra kêu gọi lên đường và tin Caritas Công giáo hỗ trợ tàu vượt biển. Ông khẳng định, đường hướng mục vụ mới là sống trong lòng cộng đồng dân tộc. Cùng năm, ngày 13 tháng 7, Tổng giám mục Bình và giám mục phụ tá Louis Phạm Văn Nẫm gửi thư ngỏ đến các giáo dân Công giáo toàn thế giới nhằm trình bày lập trường. Trong thư nhắc đến sự cảm thông đến những người phải rời bỏ quê hương, khẳng định các giám mục miền Nam kêu gọi giáo dân ở lại xây dựng chế độ mới, lên án các nước phương Tây gây ảnh hưởng đến tình hình ở Việt Nam và kêu gọi các tổ chức nhân đạo và xã hội quốc tế trợ giúp chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.[362] Cũng trong năm 1979, ông viết Thư Chung về hiện tình đất nước vào ngày 2 tháng 9 năm 1979.[8]

Ngày 13 tháng 12 năm 1979, ủy ban Nhân dân Bình Trị Thiên công bố Quyết định số 2342-QĐ/UB thu hồi tiểu chủng viện Hoan Thiện với quan niệm đây là một trường tư thục. Tổng giám mục Huế là Nguyễn Kim Điền đã viết thư gửi lại cho ủy ban và Mặt trận Tổ quốc tỉnh với nội dung trình bày việc Tiểu chủng viện Hoa Thiện là nơi thường trú của chủng sinh từ lâu đời. Tại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cũng nhận được những quyết định tương tự tại Tổng giáo phận Huế từ Uỷ ban Nhân dân Thành phố với nội dung tương tự. Tổng giám mục Bình chọn cách phản ứng khác với tổng giám mục Nguyễn Kim Điền.[333]

Vào những năm cuối thập niên 1970, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã kêu gọi các tu sĩ nam nữ thuộc dòng tu Công giáo đi lao động với mục tiêu góp phần xây dựng, kiến thiết đất nước. Những tu sĩ này được làm việc trên một nông trường riêng, đó là Nông trường Lô 6 (thuộc huyện Củ Chi).[363]

Trong thập niên 1980, nhiều lần Nguyễn Văn Bình nhờ linh mục Huỳnh Trụ liên lạc với các giám mục tại Đài Loan với mục đích tìm dịp đến thăm giáo hội Công giáo tại Đài Loan. Nhiều lần các giám mục Đài Loan ngỏ ý mời, nhưng Tổng giám mục Bình không được phép xuất ngoại.[15] Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình tham gia phiên họp thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam kéo dài từ ngày 24 tháng 4 đến ngày 1 tháng 5. Đây cũng là lần đầu tiên tất cả các giám mục Việt Nam gặp nhau, trừ giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi từ giáo phận Đà Nẵng và tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận đang bị giam giữ.[352] Tổng giám mục Bình đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch ba nhiệm kỳ đầu tiên của Hội đồng Giám mục Việt Nam sau khi Hội đồng này thiết lập sau chiến tranh, trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến năm 1989.[364]

Nguyễn Văn Bình tham dự và phát biểu tại lễ ra mắt Ủy ban Vận đồng người Công giáo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh, gọi tắt là Ủy ban Vận động Công giáo thành phố, tiền thân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hồ Chí Minh, được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên ngày 17 tháng 1 năm 1980 và tiếp tục có mặt hầu như trong mọi sinh hoạt lớn do Ủy ban này tổ chức để trực tiếp gặp gỡ, khuyến khích những nỗ lực trong việc sống niềm tin Công giáo.[23] Tại Tòa giám mục, ông thành lập Ban Kinh tế mới, việc này cũng góp phần đưa các linh mục đến các vùng đất mới nhằm mục đích giữ đạo cho giáo dân.[365]

Ngày 22 tháng 6 năm 1980, Phaolô Nguyễn Văn Bình cùng tất cả giám mục Việt Nam đi thăm Ad Limina (bổn phận viếng mộ các Thánh tông đồ theo luật lệ của Giáo hội Công giáo buộc các giám mục của mình cứ mỗi 5 năm phải viếng thăm một lần).[366] Các giám mục chia thành 2 đoàn, phía Nam do ông dẫn đầu, còn phía Bắc do Hồng y - Tổng Giám mục Tổng giáo phận Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn dẫn đầu.[367][368] Đoàn giám mục do Hồng y Căn dẫn đầu khởi hành ngày 17 tháng 6, còn đoàn do Tổng giám mục Bình đi sau, vào ngày 9 tháng 9 cùng năm.[369]

Khoảng thời gian các giám mục Công giáo Việt Nam đến Tòa Thánh với bức Thư Chung mục vụ 1980, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình có cuộc gặp riêng với giám mục phó Giáo phận Long Xuyên Gioan Baotixita Bùi Tuần. Trong cuộc thảo luận này, tổng giám mục Bình báo cho giám mục Tuần biết Tòa Thánh có dự định bổ nhiệm đưa giám mục Tuần về Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh làm phụ tá, dự phòng cho tương lai và thay thế Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Thuận đang bị tù, tuy vậy giám mục Bình cho biết sau hai tuần suy nghĩ, đã từ chối ý định này do quan ngại lý do sức khỏe do bản tính hay lo lắng của giám mục Tuần. Tòa Thánh sau đó hủy phương án này. Giám mục Tuần cho rằng Tổng giám mục Bình nhắm đến hai cái lợi. Vừa có lợi cho Hội Thánh, vừa có lợi cho đất nước.[370][371] Sự hợp tác của Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình với chính quyền gặp thử thách khi chính quyền quyết định tỏ thái độ cứng rắn và bắt giữ linh mục đứng đầu dòng Tên ở Việt Nam, đồng thời cũng là người bạn của Tổng giám mục Bình là linh mục Giuse Nguyễn Công Đoan, Bề Trên dòng.[277]

Trong giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1980, tổng giám mục Bình là tác nhân xúc tiến phá vỡ định kiến rằng người Công giáo và Cộng sản không thể đối thoại. Ông cũng được đánh giá là người đã hỗ trợ các giám mục miền Nam thoát khỏi lo lắng và đi theo đường hướng đồng hành cùng dân tộc trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1980.[131]

Đón tiếp các phái đoàn tôn giáo (1981 – 1991)

Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và giám mục Hải Phòng Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương đi đến Mát-xcơ-va tham dự Hội nghị các nhà tôn giáo Bảo việc sự sống khỏi thảm họa hạt nhân do Giáo hội Chính thống Nga tổ chức. Tại Hội nghị này, Nguyễn Văn Bình đọc tham luận của mình vào ngày 10 tháng 5 năm 1982.[372] Ông và giám mục Cương cũng đã có cuộc tiếp kiến riêng với Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 25 tháng 5.[373] Tháng 5 năm 1983, Nguyễn Văn Bình cùng 29 hồng y, giám mục đến từ 24 trong số 25 giáo phận tại Việt Nam tham gia kỳ họp Đại hội lần II của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Trong kỳ họp này, các thành viên Hội đồng bầu chọn lại các ứng viên cho các chức vụ khác nhau.[374]

Chính quyền Việt Nam cho thành lập Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước, gọi tắt là Uỷ ban Đoàn kết nhằm thay thế tổ chức tiền thân là Uỷ ban Liên lạc Công giáo Yêu nước. Đại hội thành lập được tổ chức tại Hà Nội đầu tháng 11 năm 1983.[375] Tại Tổng giáo phận Huế, tổng giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền công khai lên tiếng phản đối việc thành lập ủy ban này và đình chỉ nhiệm vụ linh mục đối với linh mục Nguyễn Văn Bính tham gia đại hội. Ngày 19 tháng 10 năm 1983, Nguyễn Kim Điền viết thư phản đối gửi linh mục Nguyễn Thế Vịnh. Ông dành một phần thư để cảnh báo sự ly giáo như tình trạng Uỷ ban Liên lạc Công giáo đã gây ra tại Trung Quốc. Bản thư này, ông cho gửi đến các giám mục tại Việt Nam để cho các vị này được biết.[333] Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cảnh báo về việc tránh nguy cơ noi theo chính quyền Trung Quốc về việc cố gắng tách người Công giáo khỏi Tòa Thánh [Roma]. Cả hai giám mục này đều phản đối việc tạo ra một cơ chế Công giáo nằm ngoài sự kiểm soát của Giáo hội Công giáo.[376] Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cho biết ông sử dụng Uỷ ban này để tập hợp giáo dân, nhân danh ủy ban Đoàn kết Công giáo để việc sinh hoạt tôn giáo quy tụ đông tín hữu được thuận tiện trong công việc xin phép tổ chức.[375] Chính phủ tuyên bố Nguyễn Văn Bình ủng hộ tổ chức mới, nhưng trong thực tế, vị tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh nghi ngờ về tổ chức này vì biết rằng tiền thân của nó ở miền Bắc chỉ hoạt động tương tự như một tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc.[277] Nguồn tin từ UCA News đưa tin Tổng giám mục Bình công nhận Uỷ ban Đoàn kết Công giáo.[377]

Nhân dịp 10 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam, Nguyễn Văn Bình gửi thư đến giáo dân nói về sự kiện này. Trong thư, Nguyễn Văn Bình kêu gọi giáo dân Công giáo hãy vui mừng lên nhân dịp lễ kỷ niệm, vì trong 10 năm sau giải phóng, khối Công giáo đã chứng tỏ mình là công dân đích thực của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng nêu lên tin tưởng về những chính sách tôn giáo của chính quyền, kể ra việc đảm bảo tự do tôn giáo thông qua việc hàng giám mục được cho liên lạc với thế giới, tham gia các sự kiện của giáo hội Công giáo Hoàn vũ. Cuối thư, ông kêu gọi giáo dân đừng bi quan trước những khó khăn hiện tại, mà cần đóng góp và phấn đấu thật nhiều.[378]

Ngày 29 tháng 6 năm 1985, Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm linh mục Inhaxiô Hồ Văn Xuân làm thư ký.[14] Giữa tháng 11 năm 1985, ba giám mục Việt Nam được chính phủ cấp phép tham gia chuyến đi hành hương Ad Limina của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đó là Hồng y Tổng giám mục Hà Nội Trịnh Văn Căn, giám mục giáo phận Qui Nhơn Phaolô Huỳnh Đông Các và Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm, Tổng giám mục Bình làm rõ các thông tin về các vị việc bắt giữ các tu sĩ Dòng Tên tại Việt Nam vào tháng 8 năm 1985. Ông cho rằng chỉ có một tu sinh Dòng Tên, Phạm Thanh Liêm, bị bắt ở Đà Lạt, và nhà Dòng Tên không bị tịch thu. Tổng giám mục Bình cũng loan tin ở Thủ Đức, chính quyền chỉ mượn một trong hai tòa nhà thuộc dòng tu để làm trường học và các tu sĩ chuyển đến một ngôi nhà gần nhà nguyện. Nguyễn Văn Bình cũng cho biết ông đã truyền chức thêm bốn tân linh mục vào ngày 26 tháng 10, nâng tổng số linh mục được truyền chức trong vòng một thập kỷ đó lên con số 11 vị.[379]

Đầu tháng 11 năm 1985, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cùng Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, giám mục Phaolô Huỳnh Đông Các đi viếng thăm hai mộ thánh PhaolôPhêrô, đồng thời yết kiến Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngày 13 tháng 12, trước khi các giám mục Việt Nam về nước, họ đã đồng tế với Giáo hoàng, cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam và đất nước Việt Nam.[380] Tổng giám mục Bình cũng có chuyến thăm Tòa Thánh không lâu sau đó vào tháng 1 năm 1986.[381] Quan hệ Giáo hội và chính quyền Việt Nam cải thiện sau khi ông Nguyễn Văn Linh được chọn làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối năm 1986 và quyết định trả tự do cho một số lượng lớn các linh mục Công giáo khỏi các trại cải tạo. Tuy vậy, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình vẫn phải xin phép về những vấn đề sinh hoạt tôn giáo quan trọng, nhất là trong lĩnh vực đào tạo và phong chức giáo sĩ mới.[277] Nguyễn Văn Bình đại diện tiếp đoàn các đại diện đến từ Giáo hội Chính Thống Nga vào ngày 24 tháng 11 năm 1987.[14]

Ngày 8 tháng 10 năm 1987, tổng giám mục Bình bổ nhiệm linh mục Huỳnh Công Minh làm chính xứ Nhà thờ chính tòa Sài Gòn.[382] Tổng giám mục Huế Nguyễn Kim Điền qua đời trưa ngày 8 tháng 6 năm 1988, sau thời gian lưu trú tại Tòa giám mục Sài Gòn và chữa bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.[383] Sau khi những giáo sĩ và giáo dân Tổng giáo phận Huế đến nhận thi hài tại Tòa giám mục, họ lên tiếng trách Tổng giám mục Bình và các linh mục liên quan về việc bất kính với thi hài cố tổng giám mục Điền, khi phát hiện thi hài cố tổng giám mục được đặt tạm trên băng ca.[119] Ngày 15 tháng 6 năm 1988, lễ đồng tế an táng Tổng giám mục Tổng giáo phận Huế Philípphê Nguyễn Kim Điền trọng thể do Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ tế. Cùng đồng tế lễ an táng là hầu hết các Giám mục trong Hội đồng Giám mục Việ Nam và rất đông các linh mục các giáo phận thuộc 3 giáo tỉnh và thuộc giáo phận Huế.[384]

Cuối tháng 11 năm 1988, Tổng giám mục phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được trả tự do.[385] Sau khi tự do, giám mục Thuận cư trú dưới Tòa giám mục Hà Nội. Trong thời gian này, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình không đến thăm hỏi cũng như gửi thư, dù theo quan điểm của Tòa Thánh, giám mục Thuận vẫn là Tổng giám mục phó của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận đã gửi thư cho Tổng giám mục Bình nhằm mục đích hỏi về địa điểm cư trú và liệu có thích hợp khi đến cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng không nhận được hồi âm. Đề nghị gửi thư mừng tuổi cho Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận của các linh mục hạt trưởng cũng bị tổng giám mục Nguyễn Văn Bình phớt lờ. Chia sẻ với linh mục Chân Tín khi linh mục này chất vấn về vấn đề đối xử với Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Thuận, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cho biết ông cũng mong muốn đưa tổng giám mục Thuận về Tổng giáo phận, nhưng lại sợ gây chia rẽ và mất yên ổn, nên quyết định không vận động để đưa tổng giám mục Thuận trở lại Tổng giáo phận. Linh mục Chân Tín đề nghị Tổng giám mục Bình công khai đề nghị chính quyền về việc trên, vì việc chấp thuận hay không ngoài quyền kiểm soát của Tổng giám mục Bình.[289][297]

Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình tiếp đoàn đại biểu Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ do Tổng giám mục Roger Mahony dẫn đầu vào ngày 6 tháng 1 năm 1989.[14] Tổng giám mục Bình cũng có chuyến thăm Hồng Kông và gặp mặt Hồng y Gioan Baotixita Hồ Chấn Trung vào giữa tháng 1 cùng năm.[386] Ba giáo sĩ hàng đầu của Giáo hội Công giáo Rôma tại Việt Nam gồm Hồng y Tổng giám mục Hà Nội Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng giám mục Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Bình và Tổng giám mục phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có cuộc gặp tại Roma ngày 11 tháng 4 năm 1989. Ba giáo sĩ này rời Việt Nam với ba lý do khác nhau: Hồng y Căn dự Đại hội Thánh bộ Truyền giáo, Tổng giám mục Bình được Hội đồng Giám mục Pháp mời còn Tổng giám mục Thuận lần đầu tiên rời Việt Nam để đến Úc thăm họ hàng.[386] Họ đồng tế với Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 17 tháng 4. Trước đó, có các cuộc họp được lên lịch với thành viên là ba giám mục trên tại Phủ Quốc Vụ khanh và Thánh bộ Truyền giáo. Một thông tin khác cho rằng Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình đến Roma vào ngày 17 tháng 4 và linh mục Huỳnh Công Minh gia nhập đoàn một ngày sau đó. Các nguồn tin từ Paris cho biết Vatican không chào đón linh mục Minh vì ông là thành viên Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam vá Ủy ban Đoàn kết Công giáo Yêu nước, đồng thời có mâu thuẫn trong quá khứ với Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam.[387]

Tổng giám mục Bình tiếp đón Hồng y Roger Etchegaray, đặc sứ Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 10 tháng 7 năm 1989.[14] Một số giáo dân Công giáo bị bắt giữ khi viết và ký thư ngỏ gửi Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình vào tháng 8 năm 1989 với nội dung đề nghị giáo hội phải có sự độc lập lớn hơn khỏi Nhà nước và đề nghị giáo hội có thái độ phê phán các chính sách của chính phủ. Tác giả chính là linh mục Chân Tín và linh mục Nguyễn Ngọc Lan, hai trong số 14 người ký tên.[388]

Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình có chuyến đi đến Seoul vào ngày 3 tháng 10 năm 1989. Về vấn đề Ban cố vấn (4 vị Uỷ ban Đoàn kết và 2 linh mục khác) làm lộ các thông tin bàn thảo bí mật, linh mục Chân Tín - một thành viên ngoài ủy ban Đoàn kết đề nghị giải thể Ban cố vấn vì Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình khi cần thảo luận các vấn đề quan trọng đều gặp riêng hai thành viên không nằm trong Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, nhưng không thu được kết quả. Ngày 17 tháng 10, linh mục Tín viết thư cho Tổng giám mục Bình, đề nghị lập ban cố vấn mới gồm các linh mục hạt trưởng và các bề trên dòng, tuy vậy ý định này bất thành.[389] Ngày 9 tháng 11, Chính phủ yêu cầu linh mục Tín thực hiện một số yêu cầu nhằm tránh gây chia rẽ trong nội bộ Công giáo, sau bức thư ông viết cho các giám mục Việt Nam về nội dung đưa lên các câu hỏi về vai trò Uỷ ban Đoàn kết Công giáo và chỉ trích các thành viên của nó và yêu cầu các giám mục xúc tiến đưa Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận trở lại Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Theo một nguồn tin khác, trong bài tường thuật của mình tại cuộc họp cho người Công giáo Việt Nam ở nước ngoài, linh mục Chân Tín nêu lập luận rằng việc tự đặt mình làm trung gian hòa giải giữa Giáo hội và chính phủ, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo là nguồn gốc thực sự của sự chia rẽ. Linh mục này cũng bảo vệ quan điểm nhắc nhở Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình rằng việc bổ nhiệm Tổng giám mục Thuận là quyết định hợp lệ từ Tòa Thánh.[377]

Khi chuẩn bị bước vào tuổi 80, Nguyễn Văn Bình quyết định xúc tiến ba công việc: nâng cấp Nhà hưu dưỡng cũ và xây dựng thêm dãy nhà tại Nhà hưu dưỡng linh mục tại Chí Hòa, xây dựng Văn phòng mục vụ và Nhà khách Tòa Tổng giám mục và xây dựng nhà nghỉ dưỡng linh mục Bãi Dâu nhằm phục phục các linh mục đau bệnh và khách hành hương tại Đền thánh Đức Mẹ Bãi Dâu.[14]

Dù đau tim chưa bình phục và được nhiều người khuyên cản, Nguyễn Văn Bình quyết tâm đi dự lễ mừng thọ giám mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang. Ông cho rằng cần sống tình nghĩa với mọi người.[14] Ngày 28 tháng 6 năm 1990, Nhà truyền thống Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh chính thức khánh thành. Cùng trong năm, ngày 16 tháng 9, 7 điểm giữ trẻ do các dòng tu Công giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh được cấp phép. Vào dịp thượng thọ 80 tuổi, Nguyễn Văn Bình chính thức cho xây dựng nhà hưu dưỡng các linh mục vào ngày 30 tháng 9.[390]

Ngày 25 tháng 1 năm 1991, tiến hành khởi công xây dựng nhà hưu dưỡng linh mục và đến ngày 30 tháng 8 cùng năm thì Tổng giám mục Bình cử hành nghi thức khánh thành. Cùng trong năm, ngày 7 tháng 10 năm 1991, linh mục Huỳnh Công Minh được bổ nhiệm làm Tổng đại diện thứ hai của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[391] Văn phòng và Nhà khách Tòa giám mục Thành phố Hồ Chí Minh được khởi công nhân dịp sinh nhật thứ 83 của Nguyễn Văn Bình.[392] Ngày 28 tháng 8 năm 1991, Tổng giám mục Bình đón tiếp Hồng y Bernard Law, Tổng giám mục chính tòa Tổng giáo phận Boston.[14]

Sức khỏe suy yếu, tìm người kế vị (1992 – 1993)

Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình dịp Thượng thọ bát tuần 1990

Tòa Thánh Vatican có quyền đề cử ứng viên kế vị Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam có quyền chấp nhận hay bác bỏ ứng viên mà Tòa Thánh đề nghị.[393] Ngày 14 tháng 1 năm 1992, phái đoàn Toà Thánh do Đức ông Claudio Maria Celli dẫn đầu đến Hà Nội để làm việc với chính phủ Việt Nam, đề nghị giải pháp toàn bộ gồm ba điểm: Một là bổ nhiệm Giám mục Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng hiện là Giám quản Tông Tòa trở thành tổng giám mục Hà Nội; hai là Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận hiện là tổng giám mục phó Thành phố Hồ Chí Minh được thuyên chuyển về làm tổng giám mục phó Hà Nội; và ba là Giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi làm tổng giám mục phó Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do chính phủ Việt Nam không chấp nhận Giám mục Thuận làm tổng giám mục phó Hà Nội, và Toà Thánh cho đây là biện pháp toàn bộ nên giải pháp ba điểm này bất thành, phái đoàn Toà Thánh trong lần làm việc với chính phủ năm 1994 thừa nhận đây là một sai lầm.[392]

Trong khoảng thời gian kéo dài từ năm 1977 đến 1991, song song với việc hoàn chỉnh bản dịch cuốn sách Các giờ kinh Phụng Vụ, nhóm dịch thuật tiến hành dịch Tân Ước. Việc cơ bản hoàn tất cuối năm 1986, khi có bản quay rô-nê-ô đầu tiên. Từ năm 1987, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình gợi ý nhóm dịch thuật nên dẫn nhập và dịch chú thích cho cuốn Tân Ước. Tháng 6 năm 1993, nội dung sẵn sàng xuất bản. Tòa Tổng giám mục xin phép cho xuất bản và sách Tân Ước phát hành ngày 13 tháng 8 năm 1994. Sách Tân Ước bản dịch mới này mất 17 năm để hoàn thành.[394]

Tháng 8 năm 1990, Nguyễn Văn Bình đề nghị linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn cần có hoạt động cho giới trẻ. Đáp lại đề nghị này, linh mục Sơn hứa với tổng giám mục Bình sẽ viết sách về các loài hoa. Tháng 1 năm 1993, Sứ điệp loài hoa ra mắt và được đón nhận rộng rãi, hết 35.000 cuốn trong lần xuất bản và tái bản đầu tiên. Nhận thấy kết quả tốt đẹp này, Nguyễn Văn Bình viết thư xin phép Sở Văn hóa Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh cho phép tái bản lần II. Tuy vậy, dù ba lần viết thư xin phép, đề nghị này không được hồi âm. Say này, linh mục Ngọc Sơn tìm hiểu lý do không cấp phép vì sách bị liệt vào dạng sách cấm do nhắc đến loài hoa bất tử.[395][gc 19] Một nhóm nữ tu có mong muốn phục vụ người nghèo. Họ đến gặp linh mục Bảo Tịnh Vương Ðình Bích, Tổng Phụ trách quốc tế toàn dòng và xin được thành lập dòng nữ tại Việt Nam. Ngày 14 tháng 9 năm 1992, Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình chấp thuận việc hình thành nhóm nữ Ðức Mẹ Người Nghèo.[397]

Sau đó, cuộc gặp từ ngày 1 đến ngày 7 tháng 2 năm 1993, phái đoàn Toa Thánh đưa ra giải pháp toàn bộ mới, trong đó lược bỏ đề nghị đầu tiên so với năm 1992, vẫn giữ nguyên 2 đề nghị sau về các giám mục Huỳnh Văn Nghi và Nguyễn Văn Thuận. Nhưng chính phủ Việt Nam chỉ đồng ý đề nghị thứ hai về phần Giám mục Nghi mà không chấp nhận Giám mục Thuận ra Hà Nội. Vì Tòa Thánh cho đây là một giải pháp toàn bộ, Tòa Thánh không bổ nhiệm Giám mục Nghi làm Tổng giám mục phó như đã định.[398] Tổng giám mục Celli được nhận định là đã cố gắng linh động nhằm chọn được các giám mục kế vị ở Hà Nội để kế vị Hồng y Tổng giám mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn cũng như ở Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh để kế vị Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.[399] Tổng giám mục Bình có khoảng thời gian dài mong muốn nghỉ hưu, nhưng Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam không đồng thuận phương án chọn người kế vị ông.[25] Vào thời gian này, cả tổng giám mục Nguyễn Văn Bình và giám mục phụ tá Louis Phạm Văn Nẫm đều đã đau yếu. Ứng viên chính quyền mong muốn đề cử kế vị Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình là linh mục Huỳnh Công Minh. Vào thời điểm này, linh mục Minh đã rút khỏi Uỷ ban Đoàn kết Công giáo vài năm trước đó. Theo một vài linh mục thuộc Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh thì việc này nhằm cải thiện quan điểm từ Vatican.[400]

Mùa hè năm 1992, sức khỏe Nguyễn Văn Bình đột nhiên suy yếu nhiều. Tháng 8 năm 1993, ông mắc bệnh nhũn não, nằm liệt giường trong vòng một tháng tại bệnh viện Thống Nhất.[401] Từ năm 1993 cho đến khi qua đời ông đã gần 10 lần cấp cứu, lần nào cũng đều nguy hiểm đến tính mạng.[14]

Quyền Tổng giám mục và giai đoạn cuối đời (1993 – 1995)

Ngày 27 tháng 7 năm 1993, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình bị tai biến và được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh. Nhận thấy tình hình bệnh trầm trọng, khó qua khỏi và nếu khỏi cũng khó hồi phục khả năng làm việc, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cho mời giám mục Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam và đề nghị giám mục này hỗ trợ việc báo cáo tình hình cho Tòa Thánh và yêu cầu Tòa Thánh sắp xếp nhân sự, do Tổng giám mục phó Nguyễn Văn Thuận hiện đang ở ngoại quốc và không được phép trở về Việt Nam.[389]

Ngày 10 tháng 8 năm 1993, Tòa Thánh bổ nhiệm giám mục Huỳnh Văn Nghi làm Giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh.[398] Với việc bổ nhiệm này, vai trò quản lý giáo phận và chức vị Tổng giám mục Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh của giám mục Bình chỉ còn trên danh nghĩa.[53] Thông tin bổ nhiệm Tân Giám quản được loan báo bằng cách phát thanh thông qua Đài Phát thanh Vatican. Sau khi nhận được Văn thư bổ nhiệm, giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi đã từ Phan Thiết vào Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các công việc sinh hoạt tôn giáo.[389] Nhận được tin này, ngày 25 tháng 8, Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh và Ban Tôn giáo Thành phố này có cuộc gặp trực tiếp với giám mục Nghi và đưa ra tuyên bố việc bổ nhiệm ông này là trái với pháp luật Việt Nam và không chấp nhận việc bổ nhiệm. Ngày 5 tháng 9, Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhắc nhở giám mục Nghi chấm dứt các hoạt động tôn giáo tại Thành phố.[398]

Cũng trong ngày 5 tháng 9 năm 1993, báo Công giáo và Dân tộc cho đăng bài báo mang tên Thành phố Hồ Chí Minh, thêm một Giám quản Tông Tòa của linh mục Trương Bá Cần với bút danh Hương Khuê đưa ra lập luận về việc chỉ định giám quản Huỳnh Văn Nghi là dụng ý chính trị của Tòa Thánh. Trong khoảng thời gian từ ngày 6 đến 10 tháng 9, tân giám quản Tông Tòa Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Nghi tham gia kỳ tĩnh tâm linh mục thường niên đợt I của Tổng giáo phận. Tại đây, giám quản Nghi trò chuyện với các linh mục và tuyên bố ông sẵn sàng hỗ trợ các linh mục thuộc Tổng giáo phận những công việc cần thiết.[389]

Ngày 15 tháng 9, Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đọc toàn văn thông báo của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Về việc Tòa Thánh đơn phương bổ nhiệm Giám quản Tông tòa tại Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh. Sáng hôm sau đó, bản thông báo này được đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng, số 5814, cùng với bài xã luận có tiêu đề Tự do tín ngưỡng không thể trái pháp luật. Bản thông báo khẳng định rằng ủy ban công nhận Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình là người lãnh đạo, điều hành các sinh hoạt tôn giáo Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Hình ảnh Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Đỗ Mười và ông Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh đến thăm Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình trong tình trạng được đỡ hai bên nách được chiếu trên truyền hình. Thông cáo cũng khẳng định sức khỏe tổng giám mục Bình đã khỏe và có thể làm việc bình thường.[389]

Sau khi hồi phục một phần sức khoẻ, Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình chính thức bàn giao việc điều hành cho Giám mục Huỳnh Văn Nghi, chỉ giữ quyền Tổng giám mục.[402] Theo số liệu khảo sát năm 1994, Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 470.000 người Công giáo, chiếm 13% tổng số dân cư.[403] Chính phủ Việt Nam không chấp nhận cho giám mục Nghi thực hiện đầy đủ trách nhiệm Giám quản của mình tại Tổng giáo phận.[404]

Ngày 19 tháng 4 năm 1994, Nguyễn Văn Bình từ Vũng Tàu về Toà Tổng giám mục để gặp người chị kết nghĩa là Mẹ Têrêsa. Trên đường về Thành phố, ông xảy ra đau tim nhưng không nghiêm trọng và cuộc gặp diễn ra suôn sẻ. Lần cuối Nguyễn Văn Bình gặp nữ tu này là vào ngày 26 tháng 3 năm 1995, một ngày trước dịp kỷ niệm 58 năm thụ phong linh mục của ông.[14] Trong khoảng thời gian sức khỏe suy kiệt dần, Nguyễn Văn Bình nhiều lần an dưỡng tại Vũng Tàu. Xen lẫn những lần về Thành phố, ông thường dõi theo các hoạt động thể thao, giải trí của các chủng sinh Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn và cử hành các nghi thức huấn đức cũng như trò chuyện. Khoảng hai năm cuối đời, ông chuyển về sống tại Đại Chủng viện.[405]

Xuân 1995, Nguyễn Văn Bình viết thư cảm ơn và tâm tình đầu xuân gửi Giáo hội Công giáo tại thành phố ngày 25 tháng 1 năm 1995. Đây có thể được xem như ước nguyện và lời trăng trối của ông, trong thư có đoạn:[23] “Tôi nguyện chúc cho nền kinh tế của chúng ta năm mới này tiếp tục phát triển, nhưng không phải chỉ dành cho một số người được hưởng và phung phí mà là cho phúc lợi của mọi người, đặc biệt là cho người già và trẻ em; tôi cầu xin cho đất nước chúng ta không chỉ đạt được mức tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, mà còn thực sự phát triển ngày càng toàn diện, có nghĩa là làm sao để phẩm giá cao quý của con người, nền đạo đức tinh túy của dân tộc luôn được trân trọng, bảo vệ và không ngừng phát huy”.

Tờ báo Pháp Actualité Religieuse dans le Monde (Thời sự Tôn giáo Thế giới) số 130 ngày 15 tháng 2 năm 1995, có bài viết nhắc đến sáu giám mục “gây tai tiếng” trong nhiều lãnh vực khác nhau theo cách nhìn nhận của Vatican. Một trong số sáu vị này là Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình.[11] Tháng 4 năm 1995, một phái đoàn từ Tòa Thánh do Tổng giám mục Claudio Celli đề xuất một ứng cử viên kế vị Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, nhưng không được chính phủ Việt Nam chấp thuận và phái đoàn rời Việt Nam.[343]

Nhân dịp 20 năm kỷ niệm sự kiện ngày 30 tháng 4 năm 1975, báo Sài Gòn Giải Phóng có bài phỏng vấn Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình. Nói về việc ông nghĩ gì khi thực hiện sinh hoạt trong 20 năm dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, Nguyễn Văn Bình nhận định, ông cảm thấy 20 năm này như là phần dài nhất của cuộc đời, khi trông mong Việt Nam hùng mạnh và thịnh vượng, giáo hội phát triển và tự do tôn giáo một cách hoàn toàn. Khi được hỏi sau 20 năm làm việc dưới chế độ cộng sản, ông có còn sợ hãi không, Nguyễn Văn Bình cho biết ông vẫn sợ, do các chính sách tại các cấp trung ương luôn dễ dàng nhưng gặp nhiều vấn đề khó khăn tại các cấp địa phương. Nguyễn Văn Bình cho rằng có những vấn đề nên giải quyết một lượt hay vì dần dà từng phần, như việc khai mở các lớp đào tạo chủng sinh. Nói về Tổng giáo phận, Nguyễn Văn Bình cho biết không có vấn đề nào nổi cộm, tuy vậy vấn đề bổ nhiệm một Giám quản Tông Tòa hoặc vị kế vị đã kéo dài một thời gian nhưng không có bất kỳ giải pháp nào. Nói về quan điểm các hoạt động tôn giáo trong tương lai, Tổng giám mục Bình cho biết ông mong Đảng và Nhà nước giải quyết các vấn đề không chính đáng trong các chính sách tôn giáo đã kéo dài hàng chục năm.[406] Nói thêm về vấn để Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, thời gian ban đầu Nguyễn Văn Bình có phát biểu được đánh giá là ủng hộ và cho các linh mục tham gia. Trong cuộc phỏng vấn này, Nguyễn Văn Bình đề nghị linh mục, tu sĩ rút dần ra khỏi Uỷ ban này, và nhận định Uỷ ban cần có thành phần nòng cốt là giáo dân và các linh mục tu sĩ chỉ góp mặt có chừng mực.[407][408] Trả lời phỏng vấn về vấn đề linh mục thuộc Uỷ ban Đoàn kết Công giáo, tổng giám mục Nguyễn Văn Bình cho rằng có khoảng 30 linh mục, trong số đó chỉ có từ năm đến sáu vị trên thực tế, vì những người khác vẫn sinh hoạt mục vụ tại các giáo xứ và chỉ thỉnh thoảng tham gia dự các buổi họp.[408][409] Trong một bài viết ngày 10 tháng 5 năm 1995, tác giả Tuệ Không cho rằng bài phỏng vấn này không được chính Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình thực hiện, vì theo xác nhận của Tòa Tổng giám mục, vào thời gian này sức khỏe của tổng giám mục Bình đã suy kiệt, không còn đủ sức trả lời phỏng vấn. Người được cho đã soạn nội dung này là linh mục Trương Bá Cần và ông này đã đưa tổng giám mục Nguyễn Văn Bình xem qua, tuy vậy do đang đau bệnh, tổng giám mục Bình chỉ đọc được vài câu và yêu cầu không xuất bản. Bài phỏng vấn này sau đó được cho xuất bản với lý do bài viết đã được sắp chữ ở nhà in nên linh mục Cần xin phép Tổng giám mục cho đăng bài.[410]

Dưới thời kỳ quản lý của Nguyễn Văn Bình, các linh mục, tu sĩ và giáo dân miền Bắc di cư dần hòa nhập với sinh hoạt của giáo phận. Cơ sở Trung Tâm hành hương Fatima Bình Triệu được hình thành, Nhóm “Phiên dịch các giờ kinh phụng vụ” được thành lập, nhiều hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế do người Công giáo điều hành dần xúc tiến và thành hình, lan đến nhiều giáo phận khác.[16] Trong thời gian ông quản lý, Tổng giáo phận Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh có thêm 88 họ đạo Công giáo.[411]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phaolô_Nguyễn_Văn_Bình http://giaoluatconggiao.com/Cac-Quy-Che/tu-chinh-h... http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/danh-sach-cac-giam... http://www.nytimes.com/1973/01/20/archives/thieus-... http://pierrenguyenthanhlong.com/1976/01/24/t%E1%B... http://pierrenguyenthanhlong.com/1997/07/01/s%E1%B... http://pierrenguyenthanhlong.com/1998/05/15/stht-1... http://pierrenguyenthanhlong.com/2008/07/04/cai-m%... http://pierrenguyenthanhlong.com/2010/07/08/1762/ http://pierrenguyenthanhlong.com/2010/08/26/stht-1... http://pierrenguyenthanhlong.com/2015/07/13/ky-nie...